Lịch sử Carrefour

1959–1963: Giai đoạn khởi đầu

Carrefour tại Punaauia, Tahiti

Năm 1959, Marcel Fournier, ông chủ một cửa hàng lớn ở Annecy, quyết định hợp tác cùng anh em Jacques và Denis Defforey, những người sở hữu công ty gia đình Badin-Defforey chuyên kinh doanh đồ tạp hóa tại Lagnieu thuộc tỉnh Ain.[6] Sau khi biết tin nhà kinh doanh thực phẩm Edouard LeclercLanderneau (người sau này sáng lập tập đoàn siêu thị E.Leclerc) có ý định tới Annecy để mở cửa tiệm, Marcel Fournier quyết định hợp tác cùng nhà Badin-Defforey để mở cửa hiệu thực phẩm đầu tiên tại tầng hầm cửa tiệm của ông ở phố Vaugelas tháng 1 năm 1960. Thành công của cửa hàng khiến Fournier và công ty Badin-Defforey mở hẳn một siêu thị vào tháng 6 năm 1960, địa điểm được chọn để mở cơ sở kinh doanh mới này là tại giao lộ (tiếng Pháp: carrefour) giữa hai đại lộ Parmelan và André Theuriet. Siêu thị mới lấy cái tên Carrefour của tòa nhà để làm thương hiệu cho mình.[7].

Ý tưởng về các đại siêu thị đến với Marcel Fournier và Denis Defforey sau khi họ tham gia buổi nói chuyện tại Hoa Kỳ của Bernardo Trujillo, "cha đẻ của phân phối hiện đại". Ngày 15 tháng 6 năm 1963, lần đầu tiên tại Pháp, Carrefour cho khánh thành một "hypermarché" (đại siêu thị)[6] tại Sainte-Geneviève-des-Bois thuộc vùng Île-de-France, gần Paris. Đây là một siêu thị mang những ý tưởng cách tân như diện tích lớn, hàng hóa đa dạng, giá cả phải chăng, quá trình mua bán được chuẩn hóa và có chỗ đỗ xe ô tô cho khách hàng. Siêu thị đầu tiên của Carrefour có diện tích 2.500 mét vuông và một bãi đậu xe 400 chỗ. Tuy bị nghi ngờ về hiệu quả kinh doanh ở thời điểm khánh thành, nhưng đại siêu thị Carrefour đã nhanh chóng thành công vì đáp ứng được nhu cầu mua sắm lớn của người dân Pháp khi đó. Chưa đầy một năm sau, tháng 3 năm 1964,[8] Carrefour đã có 3 siêu thị ở Pháp, trong đó siêu thị Villeurbanne nằm ở ngay trung tâm thành phố.[9] Siêu thị thứ tư của Carrefour với diện tích 10.000 mét vuông được khánh thành năm 1966 ở ngoại ô Lyon (tại Vénissieux), là siêu thị có diện tích lớn nhất châu Âu vào thời điểm nó ra đời.[10]

1963–1985: Thành công của một công ty gia đình

Trong giai đoạn đầu, với ý tưởng mang tính cách mạng về những đại siêu thị lớn cung cấp đủ mọi loại hàng hóa, Carrefour kinh doanh rất phát đạt. Nhu cầu lớn của khách hàng với loại hình thương mại mới này đã giúp Carrefour từ một công ty thuộc loại nhỏ và vừa (PME, petites et moyennes entreprises) phát triển thành một tập đoàn. Tới ngày 16 tháng 6 năm 1970, Carrefour chính thức tham gia Thị trường chứng khoán Paris (Bourse de Paris).

Việc các đại siêu thị liên tục xuất hiện ở Pháp đã khiến giới kinh doanh nhỏ phải lên tiếng.[11] Vào năm 1973, Pháp đã thông qua luật Royer nhằm hạn chế việc mở các đại siêu thị bằng việc bắt buộc các tập đoàn phải có sự đồng ý của Ủy ban thương mại vùng nếu muốn mở thêm siêu thị mới. Tuy nhiên Carrefour vẫn phát triển khá nhanh và bước đầu hoạt động ở các thị trường lân cận bằng việc mở đại siêu thị ở Bỉ (năm 1969) và Tây Ban Nha (năm 1973) cũng như mở rộng sang thị trường Nam Mỹ (Brasil năm 1975Argentina năm 1982). Vào năm 1977, Carrefour có ý định thâm nhập thị trường Đức (ở Mayence) nhưng phải nhanh chóng rút lui vì kinh doanh thất bại.

Bên cạnh việc mở thêm siêu thị mới, tập đoàn cũng phát triển kinh doanh bằng cách giới thiệu các sản phẩm mang chính nhãn hiệu Carrefour. Từ năm 1976, Carrefour giới thiệu các mặt hàng không mang nhãn hiệu mà chỉ được đóng gói và cố định giá. Các sản phẩm này được Carrefour gọi là sản phẩm "tự do" ("libre") và thường có giá cả phải chăng cũng như chất lượng tốt. Năm 1985, sau khi chứng kiến đối thủ Continent bắt chước ý tưởng này, Carrefour đã quyết định thay thế các sản phẩm "tự do" bằng các sản phẩm mang nhãn hiệu Carrefour. Năm 1981, Carrefour cũng giới thiệu loại thẻ "Carte Pass" giúp khách hàng có loại thẻ tín dụng riêng để chi trả cho việc mua bán, từ năm 1984 tập đoàn bắt đầu mở công ty tài chính riêng Assurances Carrefour. Năm 1991, Carrefour bắt đầu kinh doanh hoạt động du lịch bằng việc mở chi nhánh Vacances Carrefour.[12]

1985–1998: Phát triển thành tập đoàn đa quốc gia

Một siêu thị Carrefour tại Warszawa, Ba Lan

Đầu thập niên 1980, sau một giai đoạn ngắn phát triển chậm vì những lục đục trong nội bộ gia đình, hội đồng quản trị Carrefour vào năm 1985 đã lần đầu tiên bổ nhiệm một lãnh đạo là người ngoài công ty, Michel Bon, khi đó là một trong các lãnh đạo của ngân hàng Crédit Agricole. Bon trở thành giám đốc điều hành của tập đoàn từ năm 1990. Trong quá trình chuyển từ một công ty gia đình sang tập đoàn kinh doanh có tính chất đa quốc gia, Carrefour mở rộng hoạt động sang Đài Loan (năm 1989), sau đó là Hy LạpThổ Nhĩ Kỳ (năm 1991).[12]

Tháng 3 năm 1991, Carrefour bỏ ra 1,05 tỷ franc (tương đương 160 triệu euro) để mua lại tập đoàn địa phương Montlaur sau khi được Tòa án thương mại PhápMontpellier bật đèn xanh.[13] Chỉ vài tháng sau, ngày 25 tháng 6 năm 1991, Carrefour công bố kế hoạch mua lại đối thủ Euromarché (gồm 77 đại siêu thị) với giá 5 tỷ franc.[14] Vụ mua bán này được hoàn tất một năm sau đó, bên cạnh nhãn hiệu Euromarché, Carrefour qua vụ mua bán này cũng sở hữu thêm một loạt nhãn hiệu địa phương mà Euromarché đã thâu tóm trong giai đoạn 1980-1992 như Escale, Berthier, Sabeco, Disque Bleu, SND, GEM và Sodima.[15]

Năm 1992 Michel Bon rời tập đoàn, vị trí của ông được thay thế bằng cựu giám đốc điều hành tập đoàn siêu thị Đức Metro AGDaniel Bernard, người rất có kinh nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh siêu thị. Ngay sau khi nắm quyền, Bernard quyết định bán các chi nhánh Castorama và But[16] đồng thời cắt giảm một số hoạt động nhỏ lẻ để tập trung mở rộng hoạt động của Carrefour ra thế giới. Trong thời gian Bernard tại nhiệm, Carrefour liên tiếp mở rộng thị trường sang ÝThổ Nhĩ Kỳ (năm 1993), MéxicoMalaysia (năm 1994), Trung Quốc (năm 1995), Thái Lan, Hàn Quốc, Hồng Kông (năm 1996), Singapore, Ba Lan (năm 1997), Colombia, ChileIndonesia (năm 1998).

1998–2008: Mở rộng ra thế giới

Carrefour ở Bangkok, Thái Lan

Năm 1998, Carrefour mua lại tập đoàn siêu thị nhỏ Comptoirs Modernes, tập đoàn trước đó Carrefour đã sở hữu 22,4% cổ phần. Vụ mua bán này giúp Carrefour có thêm khoảng 500 siêu thị mang nhãn hiệu Stoc, giúp tập đoàn bước chân vào lĩnh vực kinh doanh đại siêu thị.[17] Thương vụ trị giá 19 tỷ franc này cũng đưa Carrefour từ vị trí thứ sáu lên vị trí thứ tư trong danh sách các tập đoàn siêu thị lớn nhất thế giới, vượt qua hai đối thủ Metro và Sears. Một năm sau đó Carrefour và tập đoàn cạnh tranh Promodès công bố kế hoạch sáp nhập để cho ra đời tập đoàn kinh doanh siêu thị lớn nhất châu Âu và lớn thứ hai thế giới, chỉ sau tập đoàn Wal-Mart của Hoa Kỳ. Sau vụ sáp nhập, nhãn hiệu đại siêu thị Continent của Promodès được thay thế bằng nhãn hiệu Carrefour, ngược lại nhãn hiệu Stoc của Carrefour được thay thế bằng nhãn hiệu siêu thị Champion trước đó do Promodès quản lý. Chiến lược "Carrefour pour l’Hyper, Champion pour le Super" ("Carrefour cho đại siêu thị, Champion cho siêu thị") này vừa giúp tập đoàn mới giảm số nhãn hiệu là đối thủ cạnh tranh trực tiếp lẫn nhau, vừa giúp Carrefour chứng tỏ đây thực sự là một vụ "sáp nhập" giữa hai tập đoàn lớn chứ không phải một vụ "mua lại" của Carrefour đối với Promodès. Cần biết rằng khi mới thành lập, đối thủ cạnh tranh Promodès từng điều hành các siêu thị mang nhãn hiệu Carrefour trước khi lập ra nhãn hiệu Continent cho riêng họ, đây cũng là trường hợp của một tập đoàn siêu thị đối thủ khác của Carrefour tại Pháp, tập đoàn Cora. Tháng 7 năm 2000, Carrefour mở rộng sang Bỉ bằng việc mua lại tập đoàn GB (sở hữu hai nhãn hiệu Maxi và Super) để lập ra chi nhánh Carrefour Bỉ (Carrefour Belgium), trong khi nhãn hiệu Maxi GB được thay thế bằng Carrefour (tại 56 đại siêu thị) thì nhãn hiệu Super GB bị Carrefour hoàn toàn loại bỏ.[18]

Những kế hoạch sáp nhập liên tiếp khiến Carrefour mất tập trung vào thị trường chiến lược – thị trường Pháp. Do có giá cả không cạnh tranh bằng các đối thủ, Carrefour để mất thị phần vào tay đối thủ trên ngay địa bàn kinh doanh truyền thống, qua đó giá cổ phiếu của Carrefour liên tiếp sụt giảm trong những năm đầu của thập niên 2000. Đối phó với tình trạng này, năm 2005 hội đồng quản trị Carrefour sa thải giám đốc điều hành Daniel Bernard. Người thay thế vị trí này là José Luis Duran với sự giám sát của Luc Vandevelde, nhà quản lý được gia đình Halley tin tưởng. Duran sau khi nhậm chức đã cho cắt giảm hoạt động của Carrefour tại các thị trường có hiệu quả kinh doanh thấp như México, Nhật BảnCộng hòa Séc, đồng thời đẩy mạnh hoạt động của tập đoàn tại các thị trường tiềm năng như Trung Quốc, Thổ Nhĩ KỳBrasil, nơi Carrefour liên tiếp cho mở các siêu thị mới. Bên cạnh việc tập trung hoạt động kinh doanh vào một số thị trường chiến lược, theo Duran trong cuộc phỏng vấn với tờ Le Figaro ngày 24 tháng 1 năm 2007 thì Carrefour cũng dự định mở rộng hoạt động sang các thị trường mới như NgaẤn Độ nhưng cũng tránh tham gia các thương vụ tài chính nặng nề như vụ sáp nhập với Promodès.[18][19]

Cụ thể trong giai đoạn thay đổi chiến lược kinh doanh 2005-2007, Carrefour đã bán lại các cửa hàng ở Nhật Bản và Mexico (năm 2005), bán các siêu thị nhãn hiệu Champion ở Trung Quốc (năm 2006, để tập trung vào lĩnh vực đại siêu thị và siêu thị giá rẻ). Ngày 23 tháng 4 năm 2007, Carrefour bỏ ra 825 triệu euro để mua lại tập đoàn đại siêu thị giá rẻ Atacadão của Brasil (với hệ thống 34 siêu thị, 17 trong số đó thuộc bang São Paulo) và trở thành nhà cung cấp thực phẩm lớn nhất Brasil.[20] Trong năm 2007 Carrefour cũng mua lại chuỗi siêu thị giá rẻ Tengelmann ở Tây Ban Nha, 9 siêu thị AholdBa Lan đồng thời bán đi một loạt siêu thị và đại siêu thị ở Hàn Quốc, Slovakia, Bồ Đào NhaThụy Sĩ.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Carrefour http://www.carrefourbelgium.be/ http://www.carrefourbelgium.be/Cbgroupcarrefour.cf... http://www.lalibre.be/index.php?view=article&art_i... http://www.boursorama.com/infos/actualites/detail_... http://www.carrefour.com http://www.carrefour.com/ http://www.carrefour.com/cdc/emploi/metiers-et-car... http://www.carrefour.com/cdc/groupe/historique/ http://www.carrefour.com/cdc/groupe/nos-activites/... http://www.carrefour.com/cdc/groupe/notre-actualit...